ĐƯỜNG DÂY NÓNG
0906730945
HOTLINE
0906730945

Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư

Thứ tư, 03/12/2014, 07:57 GMT+7

 

"Chăm sóc giảm nhẹ là một tiến trình cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với những vấn đề liên quan tới sự ốm đau đe doạ đến tính mạng, thông qua sự ngăn ngừa và làm giảm gánh nặng họ chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị đau và các vấn đề khác, thể lực, tâm lý xã hội và tâm linh."

 

I. CHĂM SÓC GIẢM NHẸ 


1. Định nghĩa


Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO-2002): "Chăm sóc giảm nhẹ là một tiến trình cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với những vấn đề liên quan tới sự ốm đau đe doạ đến tính mạng, thông qua sự ngăn ngừa và làm giảm gánh nặng họ chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị đau và các vấn đề khác, thể lực, tâm lý xã hội và tâm linh."
Theo Bộ Y tế Việt Nam: "Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư và AIDS là sự kết hợp nhiều biện pháp để làm giảm sự đau khổ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh thông qua sự phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị đau và những vấn đề tâm lý và thực thể khác, và cung cấp sự tư vấn và hỗ trợ tập trung vào những vấn đề xã hội và tâm linh mà bệnh nhân và gia đình đang phải gánh chịu."
- Cả hai định nghĩa đều nhấn mạnh về:
a. Đối phó lại sự chịu đựng đau đớn bằng cách phòng ngừa và làm giảm nó ở mọi dạng.
b. Tập trung không chỉ vào những vấn đề thực thể mà còn những vấn đề về tâm lý, xã hội và tâm linh.
c. Nâng cao tối đa chất lượng cuộc sống.

http://duocmiennam.vn/song-khoe.html


2. Nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ


- Ngày càng tăng số lượng bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, suy mòn và đe dọa đến tính mạng.
- Kiểm soát đau và các triệu chứng, giải quyết các vấn đề về tâm lý, xã hội và tinh thần là những đòi hỏi thiết thực của bệnh nhân và gia đình.
- Những lợi ích cũng như gánh nặng điều trị cần được đánh giá lại thường xuyên, chăm sóc làm dịu giúp thay đổi điều kiện, hoàn cảnh bệnh nhân.
- Bệnh nhân và gia đình cần được chuẩn bị sẵn sàng cho tiến trình chết và cái chết được báo trước.
- Gia đình cần được hỗ trợ trước tình cảnh mất người thân.


3. Ai cần chăm sóc giảm nhẹ:


- Tất cả những người mắc bệnh mạn tính tiến triển trong đó có bệnh ung thư.
- Tất cả những người bệnh mắc những bệnh đe doạ đến tính mạng khác.
- Bất kỳ bệnh nhân nào sẽ chết trong vòng 6 tháng.
- Bất kỳ bệnh nhân nào phải chịu đựng sự đau đớn, bất kỳ triệu chứng thực thể khác, hoặc những vấn đề tâm lý mạn tính ở mức độ vừa đến nặng.


4. Khi nào cần chăm sóc giảm nhẹ:


4.1. Từ khi chẩn đoán:
Sự đánh giá chăm sóc giảm nhẹ ban đầu và, nếu cần, can thiệp, nên diễn ra vào thời điểm chẩn đoán hoặc sau đó càng sớm càng tốt.
4.2. Xuyên suốt quá trình bị bệnh.
a) Chăm sóc giảm nhẹ có thể áp dụng sớm trong thời gian mắc ung thư cùng với những biện pháp điều trị đặc hiệu như:
i. Hoá trị liệu hoặc xạ trị
ii. Dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội.
b) Chăm sóc giảm nhẹ có thể làm giảm hoặc làm dịu những tác dụng phụ của những liệu pháp điều trị.
c) Chăm sóc giảm nhẹ có thể thúc đẩy sự tuân thủ những liệu pháp điều trị.
4.3. Tầm quan trọng của chăm sóc giảm nhẹ tăng lên khi liệu pháp điều trị đặc hiệu trở nên kém thích hợp, kém hiệu quả, hoặc không khả thi.
4.4. Cung cấp sự nương tựa cho gia đình sau khi bệnh nhân chết.

 

http://duocmiennam.vn/song-khoe.html

Hình 1: Biểu đồ chăm sóc giảm nhẹ xuyên suốt quá trình bị bệnh đến khi BN chết.


5. Nơi nào cung cấp chăm sóc giảm nhẹ:


Tại nhà:
Chăm sóc giảm nhẹ thường được thực hiện tại nhà bởi các thành viên trong gia đình với sự giúp đỡ và đào tạo bởi các điều dưỡng, nhân viên y tế cộng đồng, và những người tình nguyện.
Phòng khám ngoại trú hoặc trạm y tế tại cộng đồng:
a.  Kê đơn thuốc giảm đau và những thuốc cần thiết khác
b. Thỉnh thoảng khám những bệnh nhân có thể đi lại được và đến được phòng khám.
c. Đào tạo và hỗ trợ tâm lý xã hội cho gia đình
Bệnh viện:
Điều trị giảm nhẹ triệu chứng đau nặng hoặc không đáp ứng với điều trị thông thường hoặc các triệu chứng khác.

http://duocmiennam.vn/song-khoe.html


II. CÁC NGUYÊN LÝ CỦA CHĂM SÓC GIẢM NHẸ


1. Kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ dựa trên sự đánh giá toàn diện bệnh nhân và gia đình
- Cần có những đánh giá ban đầu và thường xuyên, những nhu cầu phát sinh cũng như các phương án chăm sóc phù hợp.
- Tiếp cận chuyên gia và đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ 24h/ngày và 7ngày/tuần.
- Đội ngũ chuyên môn và những người chăm sóc cần được đào tạo và hỗ trợ thích hợp.
2. Đau và triệu chứng khác, tác dụng phụ của điều trị cần được kiểm soát một cách tốt nhất, từ chuyên môn, tay nghề cho đến trang thiết bị hiện có
- Đau, khó thở, buồn nôn, nôn, táo bón, yếu mệt, khó nuốt, mất ngủ, lo âu, lú lẫn, v.v…
- Lưu ý những “chướng ngại vật” làm hạn chế hiệu quả kiểm soát đau, như sợ tác dụng phụ, sợ nghiện, sợ nhanh chết hơn…
- Hạn chế những biến chứng của các phương pháp điều trị
- Tham vấn chuyên gia về cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
3. Cần đánh giá và xử lý tốt các vấn đề về tâm lý, tâm thần
- Trầm cảm, lo lắng, mê sảng, mất ý thức…
- Các phản ứng tâm lý như stress, đau buồn…
- Liệu pháp không thuốc
- Hỗ trợ gia đình về tình cảnh mất người thân
4. Nhu cầu xã hội của bệnh nhân và gia đình cần được đáp ứng tốt nhất có thể
- Họp, hội ý bệnh nhân và gia đình đều đặn
- Xem xét các vấn đề tài chính, những thay đổi trong cuộc sống, tình dục, người chăm bệnh, v.v…
- Các nhu cầu về di chuyển, vận chuyển, các trang thiết bị, v.v.. cần được đánh giá và sắp xếp thích hợp. 
5. Đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, tôn giáo
- Những nhìn nhận về đời người, hoàn thành sự nghiệp, nỗi sợ hãi, niềm hy vọng, mục đích sống, niềm tin, sự tha thứ, … cần được khám phá, có tham chiếu những giá trị tôn giá và văn hóa của gia đình.
- Tôn trọng tính đa dạng của văn hóa và tôn giáo, không áp đặt đức tin.
- Nếu cần có thể liên hệ với một vị lãnh đạo tinh thần của bệnh nhân (thầy tu, linh mục…)
6. Đáp ứng các nhu cầu văn hóa chuyên biệt
- Cần tôn trọng các ý muốn của bệnh nhân và gia đình khi đưa ra quyết định, thông báo tin xấu, hoặc kết luận bệnh tật.
- Tôn trọng ngôn ngữ, phương ngữ, hay các hình thức nghi lễ khác
7. Nhận biết và thông báo các dấu hiệu hay triệu chứng của một cái chết đang đến và có thái độ xử trí thích hợp
- Những dấu hiệu và triệu chứng cần được nhận biết và thông báo thích hợp cho từng đối tượng: bệnh nhân, gia đình, nhân viên.
- Những lo lắng, sợ hãi, niềm hy vọng, sự trông đợi… của một sự sống đang chấm dứt cần được tháo gỡ một cách cởi mở và thành thật.
- Xem lại kế hoạch chăm sóc cho phù hợp với ước muốn của bệnh nhân và gia đình
8. Tôn trọng ước nguyện và chọn lựa của bệnh nhân trong giới hạn cho phép
- Ghi vào hồ sơ và lưu ý những ước nguyện của bệnh nhân
- Giải quyết những vấn đề khó xử về mặt đạo đức: cần điều trị nữa hay không, cần nuôi dưỡng nữa hay không, duy trì thuốc an thần,…
- Tham khảo ý kiến của chuyên gia để tìm sự đồng thuận.


Nguồn: TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG
Người viết : Dược miền nam

Giấy phép kinh doanh số : 0312713905. Ngày cấp: 06/03/2017
Người đại diện: Nguyễn Quang Trí