Ô nhiễm không khí: Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp và ung thư phổi
Ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề đáng báo động, bởi nó đang hàng ngày, hàng giờ “bào mòn” sức khỏe của chúng ta. Theo báo cáo của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) gửi tới Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ COP 22 tại Morocco từ ngày 7 – 18/11, số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí lên tới 600.000 trường hợp.
Con số này khiến bất cứ ai cũng rùng mình, bởi hiện vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và không khí nói riêng không chỉ của riêng một quốc gia nào. Theo UNICEF, số trẻ tử vong trên toàn thế giới do ô nhiễm không khí còn cao hơn cả tử vong vì bệnh sốt rét và HIV/ AIDS cộng lại. Còn tại Việt Nam, mặc dù chưa có nghiên cứu hay thống kê nào nhưng hiện số bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương về vấn đề này.
TTƯT. PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương
Phóng viên: Ô nhiễm môi trường đang ngày càng được dư luận quan tâm bởi nó ảnh hưởng tới môi trường sống, tác động trực tiếp tới sức khỏe con người, đặc biệt ô nhiễm không khí. Xin ông cho biết về thực trạng bệnh viêm đường hô hấp hiện nay, có mối liên quan nào giữa các bệnh hô hấp và ô nhiễm không khí hay không?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Có thể nói rằng, hiện nay các bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh đường hô hấp đang ngày càng tăng lên. Yếu tố liên quan nhiều nhất có thể nói đến là ô nhiễm môi trường. Môi trường không khí tác động nhiều nhất tới hệ hô hấp của con người, vì hệ hô hấp tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp, với không khí.
Môi trường không khí trở nên cực kỳ nguy hiểm - nếu xuất hiện các hạt có kích thước dưới 5 micromet vì những hạt này có thể vào sâu tận phế nang và lưu ở đó, nếu những hạt này mang vi khuẩn, ví dụ như vi khuẩn lao thì lao sẽ tiếp tục khư trú tại đó và chờ cơ hội để phát bệnh.
Vấn đề ô nhiễm không khí đang tác động và làm thay đổi một số mặt bệnh. Tại Bệnh viện Phổi trung ương, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 200 -300 trường hợp khám chuyên khoa, và cũng số tương tự tại phòng khám đa khoa của bệnh viện, trong đó có tới 80% bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp và con số ngày càng tăng lên hàng năm. Mặc dù vậy chưa thể khẳng định được vấn đề ô nhiễm môi trường là nguyên nhân khiến bệnh nhân đến khám hô hấp tại bệnh viện gia tăng, vì còn có nhiều yếu tố khác tác động vào thực trạng này.
Phóng viên: Xin ông cho biết, ô nhiễm không khí có thể gây ra những căn bệnh nào ở đường hô hấp?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Ô nhiễm môi trường tác động đến nhiều bệnh lý đường hô hấp, trong đó phải kể đến nhiễm trùng hô hấp trẻ em, hô hấp người lớn, bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong ô nhiễm môi trường một loại ô nhiễm phải kể đến đó là tự ô nhiễm ở những người hút thuốc, khói thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh COPD- ung thư phổi và nhiều bệnh lý khác. Ung thư phổi có nguyên nhân từ các vấn nạn ô nhiễm như khói bụi, hay tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư...
Riêng về bệnh hen, hiện số ca khám và điều trị tăng lên cả ở đối tượng người trưởng thành và trẻ em. Nguyên nhân chính có thể là do ô nhiễm không khí. Hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề ô nhiễm không khí, trong đó bao gồm cả ô nhiễm từ bên ngoài và yếu tố tự ô nhiễm như hút thuốc lá. Theo nghiên cứu có khoảng 4,2% những người trên 40 tuổi, khoảng 1,5 triệu người ở Việt Nam mắc COPD, hiện con số này chắc chắn đã tăng lên. Đáng lưu ý là bệnh COPD mắc cả ở những đối tượng không hút thuốc lá, chiếm khoảng 6% những người trên 40 tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi mới đây.
Phóng viên: Vậy dấu hiệu nào báo hiệu các bệnh về hô hấp mà người dân cần lưu ý để đi khám bệnh? Và ông có khuyến cáo gì với người dân để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Ô nhiễm không khí ngoài nguyên nhân từ môi trường đô thị, mật độ dân cư tập trung đông, khói bụi từ các công trình xây dựng, mật độ giao thông lớn cộng thêm ô nhiễm do thói quen sinh hoạt của người dân, nhiều nơi vẫn sử dụng đốt rơm rạ, than, củi... khiến hàm lượng khí độc, bụi trong không khí cao, tác động có hại đến đường hô hấp.
Hai triệu chứng điển hình của bệnh lý đường hô hấp là ho và khó thở. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh cần lưu ý, ngay cả những mức độ nhẹ như khó thở khi gắng sức, khi lên cầu thang cũng cần phải chú ý đi tầm soát bệnh sớm. Thời gian xuất hiện triệu chứng cũng rất quan trọng. Nếu bệnh nhân có ho hoặc khó thở dưới 2 tuần có thể là một bệnh lý cấp tính, còn nếu ho trên 2 tuần thì luôn phải cảnh giác với các bệnh lý mạn tính hoặc do lao phổi, cần đi khám phát hiện ngay.
Lời khuyên của tôi để phòng bệnh hô hấp là tránh xa môi trường ô nhiễm, khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi ở môi trường. Tuy nhiên với những hạt bụi nhỏ dưới 5 micromet, khẩu trang thông thường cũng vô tác dụng. Theo nghiên cứu của chúng tôi, người dân, đặc biệt ở khu vực lạnh như miền Bắc và miền Trung, việc sử dụng than, củi để sưởi trong nhà vào mùa đông rất nguy hiểm, cần phải thay đổi...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông